GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 9/2024

Trong suốt quá trình phát triển chúng ta không ngừng học, học cách để làm người, học để lập thân, lập nghiệp, để biết sống trong xã hội hiện đại. Và trong thời điểm này, thầy cô và các em - tất cả chúng ta đang bước vào một năm học mới với nhiều dự định, hoài bão và cả những kỳ vọng cho tương lai. Nhưng để hiện thực hóa được những ước mơ ấy thì thầy và trò chúng ta sẽ cần phải cố gắng phấn đấu ngay từ những giờ học đầu tiên bằng sự tự giác, tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập và rèn luyện. Trong buổi giới thiệu sách đầu tiên của năm học 2024 - 2025 ngày hôm nay, thư viện xin trân trọng giới thiệu đến quý thầy cô và các em học sinh một cuốn sách mà qua đó chúng ta sẽ rút ra được những bài học quý, đồng thời cũng sẽ tiếp thêm nghị lực để các em theo đuổi những ước mơ của riêng mình. Cuốn sách mang tựa đề “Khổ học thành tài” của tác giả Lưu Đức Hạnh sưu tầm và biên soạn với khổ 13x20 cm, được NXB Dân Trí ấn hành năm 2012.

 

Với hơn hai trăm trang sách, gồm 16 câu truyện kể về chuyện học hành, sự nghiệp của những người đã đạt danh vị cao, lưu tên tuổi với muôn đời, có đóng góp nhất định cho đất nước hay cho nhân loại trong các lĩnh vực khác nhau. Những con người ấy, dù xuất hiện trên thế gian không ai giống ai, nhưng đều có một điểm chung là “khổ học thành tài”, họ đều đã vượt qua những hoàn cảnh khổ cực và khổ công, say mê trau dồi, nâng cao kiến thức bằng cách suốt đời học tập.

Tiêu biểu có thể kể đến câu chuyện “Từ người học trò nghèo thành vị tể tướng giỏi” ở trang 7 kể về Tiến sĩ Nguyễn Quán Nho (1638 - 1708) là người xã Vãn Hà, huyện Thụy Nguyên (nay là thị trấn Thiệu Hóa, Thanh Hóa). Mồ côi cha từ bé, nhà nghèo hai mẹ con sống lay lắt qua ngày bằng nghề mò cua, bắt ốc, đan thừng. Vì quá nghèo đói mà Nguyễn Quán Nho thường xuyên phải sang hàng xóm mượn nồi nấu cơm nhưng thực chất là về vét hạt cơm chét còn lại dưới đáy nồi để ăn cầm cự. Dần dần hàng xóm hiểu chuyện, cố ý dành lại nhiều phần cơm cháy hơn một chút. Bởi thế mà Nguyễn Quán Nho thường được gọi là “chàng Cháy”. Chàng Cháy rất ham học. Những lúc mẹ đi làm thuê cho nhà giàu, cậu đi theo, áp tai vào vách nghe thầy giảng bài cho con chủ nhà, lại lấy que củi vạch chữ lên nền đất. Thậm chí, cậu còn dùng gai tập viết từng con chữ lên thân xương rồng, trên lá chuối. Đêm đến đèn dầu không có để thắp, Quán Nho học cách của Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi lấy đom đóm bỏ vào vỏ trứng gà làm đèn. Nhờ sáng dạ, chăm chỉ, chẳng bao lâu Quán Nho đã thuộc hết chữ. Thế rồi Trời không phụ lòng người, kỳ thi Hương năm 1657, Nguyễn Quán Nho 19 tuổi đỗ đầu tức Hương Cống. Vào đến kỳ thi Hội, Quán Nho thi đỗ tam trường và được bổ dụng làm quan. Đến khoa thi năm 1667 đời vua Lê Huyền Tông, Nguyễn Quán Nho lại đăng ký dự thi và chiếm ngôi nhất bảng tức tiến sĩ.

Câu chuyện thứ 2 mà cô muốn trích dẫn là câu chuyện về “Người phát minh Tômát Êđixơn” (tr.182) - nhà phát minh thiên tài của nhân loại. Tuổi thơ của Êđixơn không được đi học trọn vẹn tại trường học như bao bạn bè đồng trang lứa khác vì các thầy cô giáo ở trường cho rằng cậu không bình thường nên đã từ chối dạy dỗ cậu. Kể từ đó, mẹ ông đã đảm nhận vai trò là một người thầy và tự dạy lấy con trai mình. Năm 12 tuổi, Edison đã tự lập kiếm sống, làm nghề bán báo và kẹo dạo trên tàu hỏa, cậu tự  làm cho mình một phòng thí nghiệm nhỏ để thỏa sức đam mê. Cuộc đời Edison trải qua nhiều thăng trầm, gian nan, vất vả, ông luôn tự mình vượt qua để thực hiện đam mê khoa học của mình. Phát minh đầu tiên nổi tiếng của ông là  máy quay đĩa năm 1887, công chúng không thể ngờ và coi đó là một điều ma thuật. Và phát minh tiếp nối phát minh: Máy quay đĩa , Bóng đèn điện, Máy chiếu phim, Công tơ điện, Ắc quy, Ô tô điện… Trong suốt cuộc đời, Edison là một nhà phát minh không bao giờ chịu lùi bước trước bất kỳ khó khăn trở ngại nào. Edison gặp rất nhiều thất bại nhưng ông không nản chí. Tài năng, lòng say mê, kiên trì, nhẫn nại của ông đã đem lại cho nhân loại hơn 1500 phát minh. Ông là một tấm gương sáng về tự học. Ngoài nền giáo dục do mẹ ban cho, Êđixơn đều học tại các thư viện công cộng, số sách mà ông đã đọc lên tới hơn 10.000 quyển. Và điều cần nói cuối cùng về Người phát minh vĩ đại là, Tômát Êđixơn đã sống, học và làm để được đúng như ông nói: “Tổ quốc của tôi là Thế giới và Tôn giáo của tôi là làm việc thiện”.

Thưa quý thầy cô, thưa các em!

 Trên đây chỉ là hai trong số các câu chuyện trong cuốn sách Khổ học thành tài mà thư viện giới thiệu ngày hôm nay, còn rất nhiều câu chuyện khác như: Chuyện đi học thi của thi hào Nguyễn Khuyến, Tự học trong tù, Người cuốc bộ 150 cây số đi thi đại học, Nhà văn cay đắng vĩ đại,... Xin mời thầy cô và các em cùng tìm đọc cuốn sách tại thư viện nhà trường.

 


1. LƯU ĐỨC HẠNH
    Khổ học thành tài/ Lưu Đức Hạnh.- H.: Dân trí, 2012.- 213tr.; 21cm.
     Tóm tắt: Kể về chuyện học hành, sự nghiệp của những người đã đạt danh vị cao, lưu tên tuổi với muôn đời, có đóng góp nhất định cho đất nước, hay cho nhân loại trong các lĩnh vực khác nhau, họ đã vượt qua hoàn cảnh, say mê trau dồi, nâng cao kiến thức bằng suốt đời học tập.
     Chỉ số phân loại: 370.92 L556Đ 2012
     Số ĐKCB: TN.00072, TN.00073, TN.00074,

2. LƯU ĐỨC HẠNH
    Khổ học thành tài/ Lưu Đức Hạnh.- H.: Dân trí, 2012.- 213tr.; 21cm.
     Tóm tắt: Kể về chuyện học hành, sự nghiệp của những người đã đạt danh vị cao, lưu tên tuổi với muôn đời, có đóng góp nhất định cho đất nước, hay cho nhân loại trong các lĩnh vực khác nhau, họ đã vượt qua hoàn cảnh, say mê trau dồi, nâng cao kiến thức bằng suốt đời học tập.
     Chỉ số phân loại: 370.92 L556Đ 2012
     Số ĐKCB: TN.00072, TN.00073, TN.00074,

3. LƯU ĐỨC HẠNH
    Khổ học thành tài/ Lưu Đức Hạnh.- H.: Dân trí, 2012.- 213tr.; 21cm.
     Tóm tắt: Kể về chuyện học hành, sự nghiệp của những người đã đạt danh vị cao, lưu tên tuổi với muôn đời, có đóng góp nhất định cho đất nước, hay cho nhân loại trong các lĩnh vực khác nhau, họ đã vượt qua hoàn cảnh, say mê trau dồi, nâng cao kiến thức bằng suốt đời học tập.
     Chỉ số phân loại: 370.92 L556Đ 2012
     Số ĐKCB: TN.00072, TN.00073, TN.00074,

Hy vọng rằng tấm gương vượt khó của các bậc hiền tài, các vĩ nhân sẽ là nguồn động lực thúc đẩy các em cùng nhau quyết tâm vượt qua mọi thử thách để đạt được nhiều thành tích cao trong năm học mới.

Kết thúc bài giới thiệu sách ngày hôm nay, em xin gửi đến quý thầy cô lời chúc sức khỏe, cô chúc các em học sinh ngoan ngoãn, học tập thật tốt. Xin kính chào và hẹn gặp lại thầy cô và các em trong buổi giới thiệu sách của tháng sau.